Phân biệt các động từ liên quan đến ăn uống

Các động từ liên quan đến ăn uống Trong tiếng Việt có rất nhiều động từ liên quan đến ăn uống nhưng không phải ai cũng biết cách phân biệt.

Trong tiếng Việt có rất nhiều động từ liên quan đến ăn uống nhưng không phải ai cũng biết cách phân biệt. Hôm nay chúng tôi xin được trình bày về một vài từ trong số đó.
Trước hết là các động từ liên quan đến “ăn”:
1. ĂN: Cho một vật gì đó vào miệng, nhai, nuốt để duy trì sự sống, có thể dùng chung cho cả người và vật. Ví dụ: người ăn cơm, bò ăn cỏ…
2. XƠI: Nghĩa tương tự như “ăn”, nhưng chỉ dùng riêng cho người và có sự kính trọng, lịch sự. Ngoài ra, từ này có thể dùng cho cả đồ uống. Ví dụ: Xin mời cụ xơi cơm, xơi rượu. Lạy trời cho cả gió nồm, cho kẹo tôi chẩy, cho mồm tôi xơi (ca dao).
3. HỐC: Ăn một cách thô tục, gần giống cách ăn của lợn, thường dùng khi đang bực tức ai đó. Ví dụ: Hốc đi, hốc nhanh lên rồi ra khỏi đây.
4. NGỐN: Cũng tương tự như “hốc” nhưng có vẻ thô thiển, vội vàng, không nhai mấy mà nuốt ngay. Ví dụ: Vội đi đâu mà ngốn lấy ngốn để.
5. NGẤU: Ăn thô thiển, nhai một cách nhanh chóng, vội vàng (khác với “ngốn”, tức hầu như không nhai mà chỉ nuốt). Ví dụ: Nó ngấu mất cả cái bánh.
6. THỜI: Cũng như “ăn”, thường dùng trong các thể văn hài hước, châm biếm. Ví dụ: Lúc nào dê đã thời no, thì dê cũng thích tự do chơi bời (?) (dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine).
Còn dưới đây là các động từ liên quan đến “uống”:
7. UỐNG: Đưa vào miệng một chất lỏng, nói chung cả người và vật. Ví dụ: Uống nước nhớ nguồn (tục ngữ).
8. HÚP: Uống từng ngụm một, thường là trong các đồ đựng lớn như bát, tô, nồi… Ví dụ: Húp canh, húp cháo.
9. HÚT: Uống bằng cách chúm miệng lại rồi lấy hơi mà kéo chất lỏng hoặc khí vào miệng. Ví dụ: Voi lấy vòi hút nước.
10. NỐC: Uống từng ngụm với lượng lớn. Ví dụ: Nó vừa nốc ba chai rượu.
11. TU: Uống không dùng chén, cốc mà kề ngay miệng vào vòi ấm hay miệng chai, miệng hũ mà hút. Ví dụ: Nó cứ tu từng chai rượu.
(Tham khảo Việt ngữ tinh nghĩa từ điển)
Ngoài những động từ trên đây, quý độc giả còn biết từ nào nữa không? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi nhé!



XEM CÁC TIN LIÊN QUAN MỚI NHẤT
Vì sao gọi là "Lơ xe". bắt nguồn và Ý nghĩa từ?
“Dày dạn” và “Dày dặn” đâu là từ chính xác
Vì sao gọi quần đùi là quần xà lỏn?
Ý nghĩa cụm từ "Đầu trộm đuôi cướp"
"Hàm súc" và "hàm xúc", đâu là từ chính xác?


XEM CÁC TIN LIÊN QUAN CŨ HƠN
"Hàm súc" và "hàm xúc", đâu là từ chính xác?
Ý nghĩa cụm từ "Đầu trộm đuôi cướp"
Vì sao gọi quần đùi là quần xà lỏn?
“Dày dạn” và “Dày dặn” đâu là từ chính xác
Vì sao gọi là "Lơ xe". bắt nguồn và Ý nghĩa từ?
“Sởi lởi” và “xởi lởi”, đâu mới là chính xác?